FPT tập trung thị trường chuyển đổi số: Thức thời hay gặp thời?

9 tháng đầu năm 2021, doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái…

Lưu bản nháp tự động

9 tháng đầu năm 2021, doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này có phải “ăn may” khi đại dịch khiến chuyển đổi số trở thành yêu cầu mới?

GẶP THỜI?

Chuyển đổi số trở thành một trong những thị trường trọng tâm đang được FPT tập trung khai thác. Tập đoàn công bố riêng con số doanh thu tới từ mảng hoạt động này, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Mục tiêu này dường như dễ đạt được hơn khi nhu cầu chuyển đổi số để “sống chung” với đại dịch tăng mạnh.

Nửa đầu năm 2021, doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ sau thêm 3 tháng, FPT công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy doanh thu chuyển đổi số đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ.

Nhu cầu với các sản phẩm – dịch vụ chuyển đổi số gia tăng đặc biệt tại thị trường nước ngoài, thể hiện qua lượng đơn hàng ký mới và số dự án lớn mà đơn vị này ghi nhận. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của FPT cho thấy, doanh thu ký mới đạt 12.807 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Công ty cũng ghi nhận những đơn hàng mới tại thị trường nước ngoài, với 16 dự án quy mô trên 5 triệu USD/dự án, trong khi cùng kỳ năm 2020 là 6 dự án.

Hệ sinh thái Made by FPT ghi nhận 415 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 54,9%. Theo FPT, đây là hệ sinh thái được xây dựng với trọng tâm giúp doanh nghiệp/tổ chức thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí…, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, giao thông, sản xuất, chính phủ điện tử… Hiện có 77 sản phẩm trong hệ sinh thái này và theo số liệu mới nhất được FPT công bố, Công ty đã thương mại hóa được 29 sản phẩm, giải pháp mới giúp thúc đẩy doanh thu của nhóm sản phẩm, giải pháp Made by FPT tính tới cuối năm 2020.

“Đơn vị nào có sự đầu tư chiến lược vào công nghệ từ trước sẽ thích ứng nhanh chóng, không chỉ sống sót qua đại dịch mà còn giành lấy thị phần từ các đối thủ chậm chân hơn. Như vậy, kế hoạch chuyển đổi số kéo dài từ 5 – 10 năm trước đây của nhiều tập đoàn hay tổ chức đã được rút ngắn xuống chỉ còn 2-3 năm, đưa chiến lược chuyển đổi số trở thành ưu tiên số 1. Và FPT đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, chuyển dịch mạnh mẽ và nâng tầm vị thế trên toàn cầu”, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

KẺ THỨC THỜI MỚI NẮM ĐƯỢC CƠ HỘI

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, FPT đã manh nha bước vào thị trường chuyển đổi số. Năm 2018, Tập đoàn công bố việc mua Intellinet – sự kiện hiếm có khi một doanh nghiệp Việt sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn (có thể lên tới 50 triệu USD) để mua lại công ty của Mỹ. Lý giải hành động này, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, Intellinet giúp FPT có thể cung cấp dịch vụ chuyển đổi số tổng thể với những giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng toàn cầu.

Theo giới quan sát, nhờ làm việc tại thị trường quốc tế, đồng hành cùng các khách hàng toàn cầu đã khiến FPT sớm nhận ra nhu cầu lớn về tư vấn và triển khai chuyển đổi số. Tới Đại hội cổ đông 2019, Tập đoàn này đưa thông điệp chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Tầm nhìn của FPT trong 10 năm tới là lọt Top 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

Tiếp tục tầm nhìn tại thị trường chuyển đổi số, mới đây nhất, vào tháng 5/2021, FPT mua chi phối Base.vn, tích hợp nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện này vào Tập đoàn với trọng tâm giải bài toán chuyển đổi số cho tệp khách hàng mục tiêu hơn 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Theo thông tin công bố, Base.vn có 5.000 khách hàng SME với tốc độ tăng trưởng 100% mỗi năm và đang phát triển 50 ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp từ gia tăng hiệu suất cho tới quản trị nhân sự, quản trị thông tin… Đầu tư vào Base.vn, FPT đặt mục tiêu xây dựng nền tảng chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp SME đứng số 1 thị trường.

Tới thời điểm này, những tuyên bố kể trên của FPT ngày càng gia tăng sức thuyết phục, nhất là khi chuyển đổi số đã trở thành yếu tố sinh tồn và phát triển của mọi cá nhân/tổ chức/chính phủ trong thế giới hậu Covid.

Tại Việt Nam, “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia. Một số mục tiêu lớn bao gồm đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; Kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%…

Với cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu ứng dụng công nghệ để làm việc từ xa, quản trị vận hành và đảm bảo hoạt động thông suốt trở nên cấp thiết hơn bao giờ.Một nghiên cứu mới đây được công bố tại hội thảo “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” tổ chức tại Hà Nội cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội sử dụng công nghệ số để vận hành đã giúp tăng doanh thu đến 34%, giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn, sắp xếp và tìm kiếm tài liệu, lưu trữ, hỗ trợ hoạt động và lên kế hoạch phát triển kinh doanh.

Khi mọi cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chuyển mình, đây sẽ là miếng bánh lớn cho các công ty công nghệ khai thác trong những năm tới đây, nhất là với các doanh nghiệp đã có khởi đầu sớm, chuẩn bị sẵn các giải pháp – dịch vụ công nghệ phục vụ chuyển đổi số.

Đáng chú ý, những động thái gần đây của FPT cho thấy, Tập đoàn này đang tham gia sâu hơn vào hành trình chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp, khi hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh thích ứng với bình thường mới, mà chương trình nổi bật là FPT eCovax – giải pháp công nghệ toàn diện giúp doanh nghiệp tăng cường kháng thể số, vận hành thông suốt.

Chia sẻ tại một sự kiện của Forbes, CEO Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT sẽ kiên định với chiến lược chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh kiến tạo khối liên minh doanh nghiệp Việt nhằm chia sẻ khó khăn, tìm kiếm giải pháp phục hồi doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *